Tin tức
Quảng cáo bên trái
Mỗi di sản kiến trúc là một chứng nhân lịch sử
Nhà thờ Đức Bà (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Anh Tú |
Sự hài hòa cũ mới
TP.Hồ Chí Minh (Sài Gòn) phát triển nhanh và không ngừng vươn lên. Bên cạnh những công trình xây dựng mới là những công trình kiến trúc xưa, những tòa nhà mang vẻ đẹp cổ kính trải qua hàng trăm năm lưu giữ dấu ấn thời gian.
Đó là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Trụ sở Uỷ ban nhân dân Thành phố, Nhà hát Thành phố, Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành… đã trở thành di sản kiến trúc cũng là linh hồn của thành phố, là minh chứng cho sự đa dạng văn hoá của TP.Hồ Chí Minh.
Khi nhắc đến TP.Hồ Chí Minh, không ai không nhớ đến chợ Bến Thành. Công trình được hoàn thành vào tháng 3.1914. Hơn 100 năm tồn tại, chợ Bến Thành đã đi vào ký ức nhiều thế hệ người dân. Đây cũng là một trong những chợ lớn nhất thành phố, cả hàng nghìn du khách đến đây tham quan, mua sắm mỗi ngày.
Nhà thờ Đức Bà được thiết kế vào tháng 8.1876, ngày 7.10.1877, nhà thờ được khởi công xây dựng. Với bề dày lịch sử và nét độc đáo trong kiến trúc, Nhà thờ Đức Bà đã trở thành một trong những biểu tượng du lịch của TP.Hồ Chí Minh và cả Việt Nam, là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hiện tại, nhà thờ đang trong quá trình trùng tu.
Đi dọc đường Võ Văn Kiệt, phía trên đầu hầm Thủ Thiêm, bắt gặp một kiến trúc độc đáo khác là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.Hồ Chí Minh. Tòa nhà xây dựng năm 1930 và là trụ sở của Ngân hàng Đông Dương. Sau năm 1975, trở thành trụ sở của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, khi nói về các di sản kiến trúc, không thể không nhắc đến Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất; tên gọi trước đây là dinh Norodom) đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nơi ghi dấu sự kiện quan trọng - kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975. Ngày nay, Hội trường Thống Nhất là nơi diễn ra các sự kiện lớn của thành phố, đất nước và là một trong những địa điểm du lịch không thể thiếu của du khách khi đến TP.Hồ Chí Minh.
Qua khỏi cầu Khánh Hội nối quận 1 với quận 4, nhìn sang phía bờ sông là Bến Nhà Rồng. Đây cũng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đầu thế kỷ 20. Bến Nhà Rồng trước ngày 30.4.1975 là trụ sở Tổng Công ty vận tải Hoàng Đế với nét đặc trưng kiến trúc pha trộn phong cách Đông - Tây. Ngày nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ và trưng bày tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp thành phố.
Cuối con phố đi bộ Nguyễn Huệ tính từ bờ sông là toà nhà Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đẹp và uy nghi. Trụ sở Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh là một trong những công trình có kiến trúc cổ điển được xây dựng từ năm 1898 đến 1909.
Đi bộ băng qua khu vực công viên Lam Sơn cũ là Nhà hát lớn Thành phố, được xây từ thời Pháp thuộc, từ năm 1898 đến 1900 với nhiệm vụ chính là nơi tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật cũng như tổ chức những sự kiện lớn của thành phố. Nhà hát Thành phố được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia, là địa điểm đẹp, trang trọng để biểu diễn văn hóa nghệ thuật và tổ chức các sự kiện lớn của TP.Hồ Chí Minh.
Bưu điện Thành phố toạ lạc tại số 2 Công xã Paris, quận 1. Bưu điện được xây dựng trong khoảng thời gian 1886-1891 với kiến trúc phương Tây và phương Đông kết hợp. Bưu điện Thành phố là một trong những công trình kiến trúc được đánh giá tuyệt nhất TP.Hồ Chí Minh.
Theo dòng chảy lịch sử, TP.Hồ Chí Minh vẫn luôn được nhìn nhận là một thành phố trẻ, năng động, phóng khoáng. Đan xen giữa những công trình kiến trúc xưa là một TP.Hồ Chí Minh với nhiều công trình, tác phẩm mang hơi thở của thời đại, có thể kể đến như tòa nhà Bitexco, Landmark 81 hay các khách sạn 5 sao sang trọng với đa dạng kiến trúc.
Di sản kiến trúc là niềm tự hào, là bài học lịch sử
Có thể nói, các công trình kiến trúc cổ không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một thành phố, mà còn là một nguồn lực kinh tế mạnh mẽ.
Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh đã có hơn 320 năm lịch sử phát triển, hình thành nên giá trị di sản phong phú, trong đó có cả những di sản kiến trúc Việt, kiến trúc Pháp...
Những di sản kiến trúc là tài sản vô giá, là một tài nguyên sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách quốc tế nhiều năm qua. Đặc biệt, việc quy hoạch, giữ gìn, kết nối các di sản kiến trúc cổ với các công trình kiến trúc hiện đại không chỉ đem đến giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội mà còn mang lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Hiếu cho rằng: "Với những công trình, di sản kiến trúc dù có được công nhận hay không công nhận, dù quy mô thế nào thì đều hàm chứa những giá trị lịch sử riêng. Cần giữ gìn, bảo vệ để các di sản kiến trúc không bị lãng quên, lạc lõng trong một không gian đô thị hiện đại. Đó chính là cần phải bảo tồn sống, bảo tồn động. Tức là chúng ta cần làm cho di sản tiếp tục sống cuộc đời của nó và đem lại những lợi ích về vật chất, tinh thần cho người dân. Với cách bảo tồn ấy, di sản sẽ không kìm hãm sự phát triển của không gian đô thị mà sẽ song hành cùng sự phát triển đó".
Tiến sĩ Tùng Hiếu nhận định thêm: “Những di sản kiến trúc mang tính lịch sử không thể được coi như những vật chất tầm thường khác. Chúng ta không để dễ dàng quy ra thành từng viên gạch, viên đá vô tri, vô giác. Bởi mỗi một di sản kiến trúc là một chứng nhân của lịch sử. Và nó có thể là bi thương, cũng có thể là sự hào hùng của thành phố, của đất nước. Giả sử chúng ta truyền bá những giá trị lịch sử bằng lời lẽ, nhưng không có những di sản kiến trúc lịch sử, văn hóa kèm theo làm minh chứng thì những bài học ấy sẽ mơ hồ, không có tính xác thực. Di sản kiến trúc vừa là niềm tự hào nhưng cũng là một bài học lịch sử để chúng ta nhìn lại quá khứ...”.
Tin tức khác
- Nhà ven đô cho gia đình 3 thế hệ có sân phơi thóc trên tầng(04/10/24)
- Đón nắng trong nhà phố(04/10/24)
- Nhà 3 tầng thiết kế cho gia đình ba thế hệ(23/05/24)
- Mê mẩn thiết kế biệt thự mở, tông trầm ở Bình Dương(22/05/24)
- Ấn tượng với thiết kế nhà phố 5 tầng luôn thoáng mát(22/05/24)
- Căn hộ 3 phòng ngủ nội thất chỉ 330 triệu đồng, bên trong đẹp bất ngờ(16/05/24)
- Nhà thiết kế hai giếng trời giúp lưu thông gió(16/05/24)