Nâng cao công tác quản lý

Liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng, an toàn cộng đồng, chất lượng công trình xây dựng là yếu tố quan trọng đảm bảo tính hiệu quả, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, chất lượng công trình xây dựng cũng được nêu rõ, cụ thể trong Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn Luật. Kế thừa những nền tảng trước đó, nhằm đảm bảo tính thống nhất, Nghị định 46/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng vừa được Chính phủ ban hành sẽ có những quy định cụ thể hơn về công tác quản lý, bảo trì đã được nêu cụ thể trong Luật Xây dựng (sửa đổi).

Theo Nghị định này, nguyên tắc chung trong quản lý chất lượng công trình xây dựng là công trình xây dựng phải được kiểm soát chất lượng theo quy định từ chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng đến quản lý, sử dụng công trình nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản, thiết bị, công trình và các công trình lân cận.

Theo đó, hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

Trách nhiệm của nhà thầu, chủ đầu tư đối với công trình cũng được phân định rõ. Cụ thể, nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình...

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đảm bảo hiệu quả trong giám sát thi công.

Thực tế tại một số công trình trọng điểm thời gian qua cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình giám sát thi công còn hạn chế đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra như việc chiếc cần cẩu đang phục vụ thi công thuộc dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội bất ngờ đổ sụp, đè vào hai căn nhà trên đường Cầu Giấy; vụ sập giàn giáo công trường Formosa (Hà Tĩnh)…

Do vậy, chất lượng thi công xây dựng công trình được quy định trong Nghị định 46 sẽ phải được kiểm soát từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng.

Theo đó, công tác giám sát thi công xây dựng công trình phải được giám sát trong quá trình thi công xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Luật Xây dựng, bao gồm: “a) Thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình, cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện; b) Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định tại Điều 107 của Luật Xây dựng; c) Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: Nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình; d) Kiểm tra biện pháp thi công xây dựng của nhà thầu so với thiết kế biện pháp thi công đã được phê duyệt;…”

Đối với các công trình đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách, việc tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình phải độc lập với các nhà thầu thi công xây dựng và các nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình. Để đảm bảo tính khách quan, việc tổ chức giám sát thi công xây dựng cũng không được tham gia kiểm định chất lượng công trình xây dựng do mình giám sát.

Nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình không được tham gia kiểm định chất lượng sản phẩm có liên quan đến vật tư, thiết bị do mình cung cấp.

Nghị định cũng quy định cụ thể về thực hiện bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự tổ chức thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa công trình theo quy trình bảo trì công trình được phê duyệt nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện…

Kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình…

Trọng tâm của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII tới đây sẽ tập trung vào việc xây dựng thể chế pháp luật. Việc ban hành Nghị định 46/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng là việc làm phù hợp, kịp thời để Luật Xây dựng (sửa đổi) được áp dụng và đi vào cuộc sống. Với những quy định cụ thể, kỳ vọng Nghị định sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất lượng, đảm bảo công trình đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội thiết yếu đề ra.

TG. Thế Anh

Tin tức khác