Cần xử lý triệt để các vi phạm trật tự xây dựng (ảnh internet)

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật xây dựng

Theo dự thảo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện một số nhiệm vụ giải như: Bộ Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật xây dựng, quản lý trật tự xây dựng. Chỉ đạo Thanh tra Bộ tăng cường hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thanh tra Sở Xây dựng; theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm trật tự xây dựng trong phạm vi cả nước để kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành Xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ chì, phối hợp với Bộ Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng về pháp luật xây dựng, quản lý trật tự xây dựng. Ban hành quy chế phối hợp giữa UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về giám sát tình hình trật tự xây dựng. Chỉ đạo, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị theo quy định; công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; tổ chức cắm mốc giới xây dựng ngoài thực địa và quản lý xây dựng theo quy định. Tổ chức cấp giấy phép xây dựng theo quy định; kiểm tra việc thực hiện công khai các thủ tục hành chính tại các cơ quan cấp dưới; thực hiện cơ chế liên thông một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quy chế phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu đề án tổ chức bộ máy quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền; công bố công khai các thông tin về các dự án nhà ở đang thực hiện đầu tư xây dựng tại địa phương; tổng số nhà ở khởi công theo dự án, tổng số nhà ở hoàn thành trong năm, tổng diện tích nhà ở theo dự án hoàn thành trong năm.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng

Nhằm nâng cao hiệu quả trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, dự thảo Chỉ thị đã quy định rõ, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã; đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý cán bộ, công chức dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm. Đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện; đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý UBND cấp xã, Trưởng phòng quản lý đô thị hoặc phòng kinh tế và hạ tầng và các cán bộ dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm; kiến nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; ban hành các quy định, biện pháp nhằm xử lý, khắc phục vi phạm trật tự xây dựng; kiểm tra, xử lý Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở Xây dựng và các cán bộ dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm trật tự xây dựng để báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng; kiến nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh xử lý Chủ tịch UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.

Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng phòng quản lý đô thị hoặc phòng kinh tế và hạ tầng chịu trách nhiệm về vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý các cán bộ dưới quyền được giao quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.

Quy định rõ trách nhiệm

Để quản lý trật tự xây dựng được hiệu quả, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Chính vì vậy dự thảo nêu rõ, Chủ đầu tư công trình xây dựng và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật về xây dựng, trật tự xây dựng; cung cấp thông tin về tình hình triển khai các dự án, số lượng sản phẩm của dự án cho các cấp có thẩm quyền. Nếu vi phạm trật tự xây dựng phải thực hiện nghiêm chỉnh, đúng thời hạn yêu cầu trong quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp có thẩm quyền; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thời hạn thì bị xử lý theo quy định. Người có thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan, phải ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đúng thời hạn yêu cầu trong các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp có thẩm quyền.

Thủ trưởng cơ quan công an cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra xây dựng trong việc phòng ngừa, phát hiện, bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng; thực hiện các yêu cầu trong quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp có thẩm quyền; trường hợp không thực hiện hoặc dung túng, bao che cho hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý trật tự xây dựng; theo dõi, giám sát, phát hiện, đưa tin, kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp tuyền truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng trong nhân dân; phối hợp giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình.

Bộ trưởng các Bộ có liên quan và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị, gửi Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp hoạt động, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này; kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tin tức khác