Sài Gòn ở tuổi hơn 300 - TP.HCM ở tuổi 40, đang nằm trong những bước chuyển mạnh mẽ của diện mạo kiến trúc đô thị. Nhân lễ trao các giải thưởng bình chọn Kiến trúc sư của năm và Công trình kiến trúc của năm, giải thưởng kiến trúc Ashui vừa được tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua với hầu hết cá nhân và tổ chức chiến thắng đều đang là cư dân TP.HCM, một câu hỏi được Tiêu điểm tuần này đặt ra với các khách mời là: Nói gì về công trình kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM hôm nay?

Lăng ông Bà Chiểu - một trong những công trình kiến trúc độc đáo tại Sài Gòn- TP.HCM

Dấu ấn thời Pháp thuộc

Sài Gòn - TP.HCM đã có tuổi trên 300 năm. Nhưng nói về những công trình kiến trúc tiêu biểu, đa số chúng ta đề cập đến các công trình do người Pháp xây dựng từ sau 1859 cho đến khi họ rút khỏi Việt Nam.

Khoảng thời gian trước 1859, ở Sài Gòn - Gia Định đã có thành Bát Quái theo phong cách Vauban xây khoảng năm 1780 (Vauban, 1633-1707, tên thật Sebastien LePrestre, chuyên gia xây thành lũy gốc Pháp). Từ sau 1859 cho đến 1930, người Pháp cho xây một số công trình kiến trúc tiêu biểu như Dinh Norodom năm 1862, sau này là trụ sở làm việc của những người đứng đầu chính quyền chế độ Sài Gòn, với tên là Dinh Độc Lập. Sau đó dinh này bị phá bỏ để xây lại mới, cũng mang tên là Dinh Độc Lập do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế (tức Dinh Thống Nhất hiện nay).

Các công trình do người Pháp xây dựng tiêu biểu ở Sài Gòn tồn tại đến hôm nay khá nhiều: Tòa án Thành phố (thiết kế 1881), Dinh Gia Long (xây dựng năm 1885, nay là Bảo tàng Cách mạng), Khách sạn Continental (xây năm 1880), Khách sạn Majestic xây dựng cùng năm với Nhà thờ Đức Bà (1877), Bưu điện Sài Gòn (xây dựng từ 1886 đến 1891 hoàn thành), Tòa Đô chính, hay còn gọi là Dinh Xã Tây, nay là UBND TP.HCM xây khoảng năm 1907, Nhà hát Lớn TP.HCM khánh thành ngày 1/1/1900, Chợ Sài Gòn tức chợ Bến Thành xây dựng từ 1912 đến 1914 khai trương, Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn nằm bên trong Thảo Cầm viên thành lập khoảng từ 1927 đến 1938, Kho bạc Sài Gòn xây dựng cuối năm 1920…

Ngoài các công trình công sở và công cộng, các trường học xây dựng thời Pháp thuộc cũng để lại nhiều nét đặc trưng về kiến trúc. Ví dụ, như: Trường nữ sinh Gia Long hay còn gọi Trường nữ Áo tím do trường chỉ toàn nữ sinh và mặc áo dài màu tím, nay là Nguyễn Thị Minh Khai, khởi công xây dựng 1913. Trường Trung học Chasseloup-Laubat, tức Trường Lê Quý Đôn ngày nay, khởi công xây dựng năm 1874. Trường tư thục Bác Ái, tên tiếng Pháp là College Fraternite xây dựng năm 1908, do người Hoa thành lập, sau 1975 là Trường Cao đẳng Sư phạm và nay là Đại học Sài Gòn. Trường Marie-Curie chính thức thành lập, xây dựng năm 1918. Trường Petrus Ký là chi nhánh của Trường Chasseloup-Laubat, nay là Trường Lê Hồng Phong, xây dựng năm 1925…

Trước thời kỳ này, Nhà Nguyễn cũng để lại nhiều lăng tẩm và chùa chiền nổi tiếng trên đất Sài Gòn. Về lăng tẩm nổi tiếng, như: Lăng ông Bà Chiểu, tức Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xây dựng khoảng năm 1827, tức là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt mất, Vua Minh Mạng ban tiền và gấm để lo lễ tang và chôn cất; kế đó là Lăng Trương Tấn Bửu và nhiều chùa nữa. Lăng ông Bà Chiểu được coi là biểu tượng của Sài Gòn - Gia Định về công trình tâm linh.

Khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, miền Nam với chính quyền Sài Gòn tồn tại từ 1954 đến 30/4/1975. Thời gian này chính quyền Sài Gòn chia ra hai giai đoạn: Đệ nhất và Đệ nhị cộng hòa. Đệ nhất cộng hòa để lại công trình nổi tiếng là Dinh Độc Lập tức Dinh Thống Nhất ngày nay. Đệ nhị cộng hòa cho xây Thư viện Quốc gia và nhiều công trình khác. Giờ đây nhiều công trình còn tồn tại nhưng bị sửa chữa, biến dạng nhất là sau 1975, một số không còn nữa.

Từ những điều vừa nêu, theo tôi các công trình nổi bật của Sài Gòn - TP.HCM được xây thời Pháp thuộc và nhà Nguyễn, có thể kể: Tòa nhà UBND TP.HCM, Nhà hát Lớn, Lăng ông Bà Chiểu, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Tòa án Thành phố, Chợ Sài Gòn, Chợ Tân Định, Trường Lê Quý Đôn, Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Đại học Sài Gòn... Những công trình sau này của chế độ Sài Gòn, như: Dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia.

Các công trình được người Pháp xây dựng có nhiều nghiên cứu. Nó tiêu biểu cho nền văn hóa nghệ thuật của Pháp và là bài học cho những ai yêu thích nghệ thuật kiến trúc và mỹ thuật. Các công trình này có sự phối hợp của các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà trang trí, nhà điêu khắc… Họ xây dựng chu đáo phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Các hồ sơ bản vẽ họ đều lưu trữ và báo trước chủ sử dụng (là người Việt sau 1975) về thời hạn an toàn của công trình. Nhưng mãi cho đến nay, các công trình trên 100 năm vẫn sử dụng tốt. Còn chúng ta hiện nay, xây dựng chưa hoàn công đã có vấn đề.

Tôi ấn tượng hai công trình kiến trúc do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế: Dinh Độc Lập và Thư viện Quốc gia. Đây là hai công trình tiêu biểu cho kiến trúc phương Tây kết hợp với văn hóa Việt vô cùng tinh tế và thẩm mỹ. Riêng công trình kiến trúc lăng tẩm cổ của người Việt trước khi người Pháp xâm lược Việt Nam là Lăng ông Bà Chiểu, đây là công trình tâm linh nổi tiếng cả nước và Đông Nam Á tồn tại trên đất Sài Gòn - TP.HCM.

Như đã nói, ngoài những công trình đã gây ấn tượng tốt trong tôi thì có một số công trình đã gây ấn tượng không vui trong tôi với tư cách là một người yêu thích mỹ thuật. Đặc biệt là người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định như tôi. Một số công trình cũ được sửa chữa, bảo tồn, không đạt yêu cầu. Ví dụ Nhà hát Lớn, thì sau đợt sửa chữa, người ta cho phục dựng lại 2 pho tượng giống như nguyên thủy, nhưng tỷ lệ hai tượng này quá mập, không đạt yêu cầu như nguyên thủy. Chưa kể họa tiết trên cửa sổ chưa đúng. Giá mà chúng ta nghiêm túc hơn, trách nhiệm hơn trong nghiên cứu, thi công và giám sát khi bảo tồn, phục dựng các công trình, tòa nhà trên 100 năm tuổi của Sài Gòn thì hay biết bao?!

Tôi rất đau lòng trong gần 40 năm qua về sự biến dạng của Lăng ông Bà Chiểu vì sự ấu trĩ, thiếu văn hóa của một số người sau năm 1975. Và dấu tích của sự đau lòng ấy vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến hôm nay, năm 2015. Lăng ông Bà Chiểu là kiến trúc Việt Nam độc đáo. Nhưng vào năm 1977 người ta dự định phá bỏ lăng ông để làm Nhà văn hóa Thiếu nhi Q.Bình Thạnh và họ đã cho phá toàn bộ vòng rào bằng men gốm để xây hàng rào sắt mới với họa tiết chiếc lá cho phù hợp với thiếu nhi. Mấy con nghê trên cổng bị gỡ bỏ.

Sau đó vì công chúng phản đối, nhà thiếu nhi không xây dựng được nhưng người ta cho xây sửa các cổng phụ cho cao hơn hợp với chiều cao hàng rào họa tiết thiếu nhi và dựng thêm mái cổng không giống ai. Người ta đã vô ý thức khi nối cao trụ cổng bằng sắt “ấp chiến lược” để làm sườn đỡ mái ngói giả. Đây là dấu vết phản văn hóa hiện còn tồn tại ở công trình hơn 100 năm tuổi tiêu biểu của Sài Gòn - Gia Định. Thiết nghĩ Nhà nước cần có tiểu ban khảo sát, điều tra và chỉnh sửa lại những khu vực lăng ông bị biến dạng phản văn hóa, phản thẩm mỹ. Bản thân tôi sẵn sàng cung cấp những hình ảnh phản văn hóa đó để dẹp bỏ, phục dựng lại nguyên trạng ban đầu.

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Tôi thích Dinh Độc Lập

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, công trình đập vào mắt của dân Sài Gòn chính là Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành, sau đó thì đến Dinh Gia Long và Dinh Độc Lập, cuối cùng là Tòa Đô chính và Lăng ông Bà Chiểu. Trong các công trình kiến trúc vừa liệt kê, tôi ấn tượng mạnh với Dinh Độc Lập. Đây là công trình xây dựng mang tính nghệ thuật của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (người giật giải Khôi nguyên La Mã về kiến trúc).

Dinh Độc Lập có từ thời Pháp thuộc, sau nhiều đợt dội bom đảo chính quân sự đã được chính quyền Sài Gòn xây dựng lại mới hoàn toàn, như hình thức hiện nay. Nơi đây có những căn phòng đặc biệt treo những họa phẩm quý giá của các danh họa Việt Nam. Chưa kể nó còn là biểu trưng của Hòn Ngọc Viễn Đông ngày nào với tầm nhìn chính diện ra các công viên tươi đẹp chung quanh.

(Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)

Tin tức khác