Cần quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị gắn với giao thông.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 16 đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) vùng liên tỉnh (vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt QHXD vùng tỉnh (tương đương 63 Đồ án quy hoạch, 30% đang tổ chức lập điều chỉnh); 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án); Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%; Quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%; tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8.926 xã).

Đây là kết quả của việc đổi mới công tác QHXD, linh hoạt trong xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường để cập nhật phục vụ việc lập quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Nhiều QHXD đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển; đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm.

Đánh giá về công tác phát triển đô thị: Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết tháng 5/2017, dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37% (so với 23,7% năm 1999); mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người/km2. Diện tích đất toàn đô thị là 43.792km2 chiếm 13,2% diện tích đất tự nhiên toàn quốc, trong đó diện tích đất khu vực nội thị là 18.766,66km2 chiếm 5,67% diện tích đất tự nhiên toàn quốc.

Tổng số đô thị cả nước là 805 đô thị (tăng thêm 8 đô thị loại V so với cuối năm 2016), bao gồm: 2 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 633 đô thị loại V.

Khu vực đô thị đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu; hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đại, khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ lớn, công trình đầu mối quốc gia về giao thông, một số công trình xây dựng đô thị tầm cỡ khu vực.

Về công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo báo cáo của Bộ Xây dựng: Tổng công suất thiết kế cấp nước đô thị đạt khoảng 8 triệu m3/ngđ (tăng khoảng 0,6 triệu m3/ngđ so với cuối năm 2015); Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 23,5% (giảm 1,5% so với cuối năm 2015); Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 83,5% (tăng 2% so với cuối năm 2015).

Về hạ tầng đô thị khác: Hiện đã có 17 địa phương phê duyệt quy hoạch nghĩa trang và 30 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý nghĩa trang; 45 địa phương đã ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn quản lý; 18 địa phương ban hành quy định có liên quan đến quản lý xây dựng ngầm; 31 địa phương đã ban hành quy định liên quan đến quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật; 27 địa phương ban hành quy định về quản lý chiếu sáng đô thị.

Mặc dù đã đạt được những kết quả như vậy nhưng Bộ Xây dựng nhận định, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn còn một số hạn chế. Một số quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính khả thi thấp. Thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng trình tự, nội dung theo quy định, công tác kiểm tra thanh tra giám sát của cơ quan quản lý, của cộng đồng còn yếu, một số vi phạm chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.

Về quản lý phát triển đô thị, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu gay gắt. Với tác động ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng trầm trọng, gay gắt nhất là ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM.

Nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả. Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đô thị mới có tỷ lệ sử dụng thấp gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Các khu vực đô thị hiện hữu, nhất là trung tâm đô thị, chậm được cải tạo, chỉnh trang. Thực tế đó đòi hỏi công tác quy hoạch và phát triển đô thị cần được quan tâm đầu tư, và sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành, địa phương nhiều hơn nữa để tiếp tục nâng cao hiệu quả.

 

 

Tin tức khác