Việc đẩy mạnh công tác quản lý đầu tư xây dựng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Các văn bản luật đi vào thực tế

Chống thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công trình được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, ngành xây dựng đề ra trong năm 2014. Để thực hiện nhiệm vụ này, trong năm qua, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện các thể chế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, mà trọng tâm là quản lý chất lượng công trình và quản lý chi phí xây dựng.

Cụ thể, tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu hết đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và đi vào nề nếp. Thông qua việc thẩm tra thiết kế, dự toán của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, Nghị định 15 đã góp phần tích cực phòng chống thất thoát, lãng phí, khắc phục các sai sót về thiết kế. Bên cạnh đó, việc kiểm tra công tác nghiệm thu cũng đã giúp khắc phục được các khiếm khuyết về chất lượng trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong năm 2014 đã thực hiện thẩm tra 15.341 công trình, tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% tổng số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 108.240 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 5.833 tỷ đồng (tương đương 5,39%). Qua kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 6.545 công trình thì có 97% số công trình đạt yêu cầu, đủ điều kiện đưa vào sử dụng, còn lại khoảng 3% công trình được các cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu sửa chữa, bổ sung, khắc phục các khiếm khuyết trước khi đưa vào sử dụng.

Trong công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy định tại Nghị định số 64/2012/NĐ-CP cũng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Các địa phương đã đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, ban hành quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch và tiến hành thiết kế đô thị đối với khu vực quan trọng để làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng. Cũng do việc áp dụng các luật, quy định được đảm bảo nên tỷ lệ công trình xây dựng không phép, sai phép đã giảm đáng kể so với năm 2013 .

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2014, số công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng còn khoảng 8% so với tổng số công trình được xây dựng (giảm 1% so với năm 2013); số công trình xây dựng sai với giấy phép được cấp còn khoảng 2,2% (giảm 0,2% so với năm 2013).

Nâng cao chất lượng các công trình trọng điểm

Do công tác quản lý đầu tư xây dựng được lãnh đạo ngành quán triệt, nâng cao nên phần lớn chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế để đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả. Cũng trong năm 2014, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm định chất lượng các công trình cầu treo, các công trình dạng tháp; kiểm tra, đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, đối với các sự cố được dư luận quan tâm như nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, vỡ đường ống cấp nước Sông Đà, sập đổ tháp VOV (Đồng Hới - Quảng Bình)... đã được lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo để kiểm tra, xử lý kịp thời về chất lượng công trình xây dựng .

Cùng với đó là công tác quản lý năng lực hoạt động xây dựng, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động đầu tư xây dựng được đẩy mạnh. Trong năm 2014, Thanh tra Bộ đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng với nhiều đồ án quan trọng: Điều chỉnh QHCT xây dựng tỷ lệ 1/2000 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Điều chỉnh QHC TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)…

Thông qua hoạt động của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Bộ Xây dựng đã giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm tra và nghiệm thu chất lượng 52 công trình trọng điểm quốc gia. Hội đồng đã tổ chức 103 đợt kiểm tra hiện trường; xem xét, đánh giá thiết kế, xử lý các vấn đề kỹ thuật; chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư và các nhà thầu tăng cường kiểm soát chất lượng và khắc phục những tồn tại về chất lượng…

Trong năm 2015, để công tác quản lý đầu tư xây dựng được chú trọng và nâng cao, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ cũng yêu cầu các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, các lĩnh vực làm cơ sở thực hiện kế hoạch hóa đầu tư và quản lý thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch.

 

TG.Tuyết Linh

 

Tin tức khác