Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội cho cả nước.

Tạo sức bật cho ngành công nghiệp, năng lượng

Có chiều dài đường biển 130 km, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thành công bước đầu của Quảng Ngãi đó là việc xây dựng Khu kinh tế Dung Quất với diện tích 45.332ha, đây là 1 trong 5 khu kinh tế ven biển của cả nước. Theo chiến lược phát triển KKT Dung Quất sẽ trở thành một đặc khu kinh tế và trở thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, công nghiệp nặng quy mô lớn như luyện cán thép, đóng tàu, cơ khí, sản xuất xi măng, các ngành công nghiệp phụ trợ... có cảng biển nước sâu lý tưởng để phát triển phục vụ ngành công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng. Hiện có khoảng 130 dự án đầu tư đã được cấp phép với tổng vốn đăng ký trên 10,5 tỷ USD.

Nơi đây còn có nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước với công suất 6,5 triệu tấn/năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Qua hơn 5 năm chính thức đi vào vận hành đã hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo của khâu sau ngành dầu khí, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhà máy đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 100 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng thu ngân sách hằng năm từ nhà máy chiếm khoảng 80% đến 90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Tính riêng năm 2014, nhà máy đã đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%.

Tính đến 31/5/2015 sản xuất 2,8 triệu tấn sản phẩm, đạt 48% kế hoạch năm, tiêu thụ 2,6 triệu tấn, đạt 44% kế hoạch năm, Doanh thu trên 39,1 ngàn tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch năm; nộp NSNN hơn 11,1 ngàn tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch năm.

Sản phẩm do NMLD Dung Quất sản xuất từng bước đa dạng hóa. Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay đã nghiên cứu sản xuất thêm các loại sản phẩm mới, như: Xăng E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được mở rộng từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm có tổng mức đầu tư 1,82 tỷ USD, với công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định hiện hành, sản phẩm đạt tiêu chuẩn mức EURO 5 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên diện tích hơn 300 ha, gồm 108 ha mặt đất và 196 ha mặt biển. Dự kiến, sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trước năm 2022.

Bên cạnh xây dựng KKT Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng. Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP được xem là khu trọng điểm của tỉnh với diện tích quy hoạch là 1.746 ha, vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành quy hoạch khu công nghiệp Dung Quất II dành cho các ngành công nghiệp nặng như công nghiệp hóa dầu, hóa chất, công nghiệp luyện cán thép, các sản phẩm cơ khí, công nghiệp nặng.

Ngoài ra còn có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT, cảng xuất sản phẩm nhà máy lọc dầu, bến chuyên dụng Doosan Vina, cảng dịch vụ PTSC, cảng quốc tế Gemadept, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và cảng dự phòng cho Dự án thép Guanglian Stell và Cảng Dung Quất II sẽ được quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Sau khi đầu tư hoàn chỉnh Cảng Dung Quất II có thể đón tàu có trọng tải 250.000 - 300.000 DWT.

Sẳn sàng chào đón các nhà đầu tư

Trong những năm qua, nhờ thu hút đầu tư tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Những năm trước đây, cả nước trong giai đoạn khủng hoảng nhưng tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi vẫn giữ vững. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi là 12,8%. Dự kiến năm 2015 sẽ tăng 7% so với 2014. GDP bình quân đầu người năm 2014 là 2.211 USD/người và dự kiến năm 2015 là 2.410 USD/người.

Đến hết quý 2/2015, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 300 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký trên 144.000 tỷ đồng, trong đó có 36 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 4 tỷ USD. Cấp mới 5 dự án đầu tư và 01 dự án điều chỉnh, với tổng số vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Trong quý 1, các doanh nghiệp FDI có doanh thu đạt 22,07 triệu USD, nộp cho ngân sách nhà nước 1,94 triệu USD (gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2014) và giải quyết cho 8.992 lao động (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước).

Tỉnh Quảng Ngãi trao Giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp.

Quảng Ngãi đã và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng các cơ chế chính sách về ưu đãi, các chính sách về đất đai, về đầu tư công theo luật mới ban hành. Đặc biệt chú trọng đối với các cơ chế chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi vừa qua, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào KKT Dung Quất, các KCN của tỉnh và VSIP Quảng Ngãi với lĩnh vực lọc hóa dầu, hóa chất, cảng biển, công nghiệp phụ trợ, điện tử, dệt may chế biến thực phẩm hàng tiêu dùng, phát triển đô thị và đầu tư phát triển du lịch đối với huyện đảo Lý Sơn.

Qua đó đã có các Tập đoàn, doanh nghiệp chính thức đầu tư vào Quảng Ngãi. Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư dự án Trung tâm thương mại và nhà phố Shop House với mức đầu tư 500 tỷ đồng. Tập đoàn Mường Thanh sẽ đầu tư 02 dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 700 tỷ đồng. Trong đó Dự án tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao cao 20 tầng tại TP Quảng Ngãi với mức đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng và dự án xây dựng khách sạn 4 sao, quy mô 5 - 7 tầng tại huyện đảo Lý Sơn với mức đầu tư 250 tỷ đồng. Cấp phép đầu tư dự án Khu đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 1.226 tỷ đồng, quy mô 99,78ha, dân số dự kiến khoảng từ 14.000 - 16.000 người.

Hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện toàn bộ các cơ hạ tầng đảm bảo đồng bộ và hiện đại có thể phục vụ tốt cho các nhà đầu tư đến Quảng Ngãi.

 

 

 
 
 
 

Tin tức khác