Phá vỡ đặc thù và cảnh quan tự nhiên

Trao đổi với PV, ngày 22/5, ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội KH&KT Khánh Hòa cho biết, Liên hiệp được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội dự án: “Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía Đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng – TP Nha Trang” do Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa làm chủ dự án, Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây Dựng là cơ quan lập quy hoạch.

Chi tiết phản biện về dự án, ông Mau cho biết: "Chúng tôi đã có văn bản cụ thể trình bầy rất rõ ràng về dự án này".

Theo văn bản này, thì Liên hiệp đã chỉ rõ Vịnh Nha Trang là danh lam thắng cảnh được Bộ VHTT&DL quyết định công nhận năm 2005, là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định và là 1 trong những vịnh đẹp của thế giới.

Vịnh đẹp nhờ có cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên do thiên nhiên ban tặng và do bàn tay, trí óc con người gìn giữ tôn tạo. Việc đầu tư xây dựng và tôn tạo các khu du lịch, vui chơi giải trí nhằm làm tôn thêm cảnh đẹp của vịnh Nha Trang là cần thiết nhưng phải phù hợp và gìn giữ được cảnh quan thiên nhiên hiện có.

Quy hoạch phía Đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng là khu vực hết sức nhạy cảm bởi mọi công trình ở khu vực này đều ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường ven biển, nơi mà cộng đồng người dân và du khách tận dụng cho các hoạt động công cộng là chủ yếu như tắm biển, đi bộ thể dục.

Mặt khác, việc giữ cảnh quan thân thiện với thiên nhiên sẽ tạo cho Nha Trang sự khác biệt với các bãi biển trên thế giới mà một số nước phát triển đã vi phạm nay họ muốn quay lại diện mạo cũ nhưng không thể được.

Việc bố trí các khách sạn cao tầng, các trung tâm thương mại, các công trình ngầm ở phía Đông sẽ phá vỡ đặc thù và cảnh quan tự nhiên vịnh biển Nha Trang.

Mặt khác, đề án chưa thể hiện được tính độc lập, sáng tạo của nhà tư vấn, mà chỉ là tập hợp các dự án đã và đang thực hiện ở các bước khác nhau để các cơ quan quản lý phê duyệt ban hành phục vụ cho các dự án thực hiện sau này.

Căn cứ lập quy hoạch phải dựa vào Luật di sản

Bên cạnh đó, Quyết định 2730/QĐ-UBND ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt quy hoạch này chưa căn cứ vào Quyết định 2466/QĐ-UBND ngày 08/9/2011 của UBND tỉnh Khánh Hòa “về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, Tôn tạo và Phát huy giá trị vịnh Nha Trang” để lập quy hoạch.

Việc dẫn đề án quy hoạch chung xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang khẳng định Nha Trang là thành phố biển không phải là thành phố vịnh Hạ Long. Điều này có nghĩa là cảnh quan, bãi biển đẹp là thế mạnh vượt trội của Nha Trang – Khánh Hòa, cần được khai thác hợp lý để phục vụ du lịch hiệu quả nghĩ như vậy là không đúng tầm làm quy hoạch.

Vì vịnh Nha Trang là thắng cảnh quốc gia, cần tôn chỉ thực thi pháp luật của Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001 và Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Trong khi, báo cáo về hiện trạng hạ tầng cơ sở, chưa nêu đầy đủ các thông tin về hạ tầng đường thủy, hiện trạng hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải, môi trường dự án báo cáo nêu sơ sài, thiếu cơ sở khoa học, chưa đề cập đến tác động của quy hoạch đến các hệ sinh thái biển.

Về hiện trạng kiến trúc cảnh quan chưa nêu chưa đầy đủ các công trình hiện có trong khu vực dự án như: công viên Phù Đổng, khu du lịch Hòn Chồng…

Riêng về đánh giá SWOT cho rằng cần nêu bật điểm mạnh của vùng phía Đông Trần Phú là đặc điểm nguyên sơ, ít bị chia cắt, ít có dấu hiệu can thiệp thô bạo của con người, nhất là vịnh biển, bãi cát, bãi tắm (tuy chỉ rộng khoảng 900.000 m2) và hệ thống đảo ven biển, với đặc trưng tự nhiên hấp dẫn: không gian bờ biển yên tĩnh, rộng, thoáng, màu xanh của biển, cát trắng, nắng vàng, màu xanh của cây cối. Có thể coi đây là giá trị “độc quyền địa lý” trong phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa.

Chưa đề cập đến việc chuyển đổi đất sân bay Nha Trang vào khai thác dân sự sẽ mở ra nhiều cơ hội liên quan đến khu vực lập quy hoạch.

 

Theo Đất Việt

Tin tức khác