Phần lớn nợ xấu hiện nay không còn là nợ xấu bình thường mà đang trở thành loại nợ xấu phức tạp, rất khó khăn trong xử lý thu hồi. Có nhiều nguyên nhân làm cho nợ xấu khó xử lý.

Hoạt động nghiệp vụ tại ABBank. 

Trong đó, phức tạp nhất trong xử lý nợ xấu là 5 vấn đề: Thứ nhất, đặc điểm nợ xấu của các TCTD là phần lớn gắn liền với thế chấp bất động sản (BĐS). Việc xử lý BĐS thế chấp lại phải đối đầu với một ma trận pháp lý, trong bối cảnh thị trường BĐS đóng băng kéo dài. Bên cạnh đó, rào cản xử lý nợ xấu có khi lại từ chính TCTD. Giai đoạn thị trường BĐS bong bóng, TCTD đã định giá tài sản thế chấp quá cao. Kỳ vọng thu hồi đủ nợ, tránh trách nhiệm pháp lý, TCTD chỉ còn cách “nuôi nợ”, chờ thời thị trường BĐS lên giá. Đây là cách ứng xử mạo hiểm, ảo tưởng làm cho nợ chồng nợ lớn hơn, vừa kéo dài thời gian xử lý nợ xấu, vừa làm thiệt hại tài sản TCTD nhiều hơn.

Thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay là biện pháp cuối cùng mà các ngân hàng trên thế giới sử dụng trong cấp tín dụng, vì tính rủi ro cao. Họ chỉ quan tâm hiệu quả dự án vay vốn chứ ít khi quan tâm tài sản thế chấp. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam lại quan niệm ngược lại, coi tài sản thế chấp là biện pháp hàng đầu, thậm chí là duy nhất. Vì tin vào bảo bối tài sản thế chấp “không trả được nợ thì thu tài sản thế chấp” nên trong nhiều trường hợp, ngân hàng xem nhẹ hiệu quả dự án và dòng tiền của dự án vay vốn. Điều đó vô hình trung đã tạo điều kiện cho người vay được độc quyền sử dụng tiền vay ngoài vòng kiểm soát của ngân hàng. Hệ quả, ngân hàng “thả gà vào rừng để đuổi”.

Thứ hai, một nguyên tắc nằm lòng trong kinh doanh ngân hàng là, lãi suất cho vay của ngân hàng phải thấp hơn lợi nhuận của DN đi vay. Có như vậy, DN mới đủ khả năng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, có thời kỳ (2007 -2008), ngân hàng lại cho vay với lãi suất trên 20%/năm. Thử hỏi, với lãi suất tiền vay từ 20 - 25%/năm, có mấy DN chịu đựng được? Chỉ những DN kinh doanh BĐS trong giai đoạn cao trào mới xem lãi suất đó vẫn còn “ngon”. Do đánh liều với lãi suất cao, nhiều DN kinh doanh thua lỗ, phá sản. Hệ quả, ngân hàng phải nhận một khối nợ xấu khổng lồ, kéo dài nhiều năm.

Thứ ba, chưa có một thống kê chính thức về nợ xấu của khu vực DN Nhà nước (DNNN) trong tổng nợ xấu của TCTD. Song, theo tính toán của nhiều chuyên gia, con số này chiếm khoảng 60 - 70%. Việc xử lý nợ xấu đối với DNNN được kỳ vọng nhiều vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước thông qua công cuộc đại phẫu tái cơ cấu DNNN. Tuy vậy, quá trình này đang có nhiều bế tắc. Kỳ vọng xử lý nợ xấu của DNNN bằng con đường ngân sách như xóa nợ, giảm nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn là một điều hoàn toàn sai lầm. Thực tế Nhà nước hiện không thể có nguồn để trang trải do sức ép bội chi ngân sách. Không những thế, cách xử lý đó là trái với nguyên tắc vận hành của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang quyết tâm vươn tới. Nợ xấu của DNNN có nguyên nhân từ TCTD, có nguyên nhân từ làm ăn kém hiệu quả và có cả nguyên nhân từ cơ chế của Nhà nước. Song suy cho cùng, loại nợ xấu này là “nợ xấu thể chế”. Phải chăng nợ xấu do thể chế phải được giải quyết từ chính thể chế? Bài toán này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Thứ tư, không ít khoản nợ xấu của TCTD hiện nay là loại nợ xấu gắn với các vụ án hình sự. Có người nói một cách thâm hài rằng, thời gian qua là thời gian ngân hàng được mùa vụ án. Các vụ án lớn liên quan đến cấp tín dụng đã xử và tiếp tục điều tra xét xử đang đổ cho các TCTD những gánh nợ xấu nặng nề. Ngay cả khi vụ án đã xử, việc thu hồi nợ cũng rất khó khăn, phải tốn kém chi phí, công sức mới hy vọng thu được phần nào hay phần đó. Còn đối với vụ án đang điều tra, có thể kéo dài nhiều năm, kỳ vọng thu hồi nợ dường như chưa thể đặt ra. Nợ xấu thuộc các vụ án là loại nợ xấu rất phức tạp. Bởi nếu xét về bản chất, để bóc dỡ được nợ xấu, đồng thời phải bóc dỡ trách nhiệm pháp lý của những cán bộ liên quan trong guồng máy cấp tín dụng. Quá trình này có nhanh được không khi thận trọng pháp lý phải được đặt lên hàng đầu?

Thứ năm, thời gian qua, con số nợ xấu của các TCTD hết sức rối, đáng ngờ. Có ít nhất 3 kênh đưa ra con số nợ xấu: Nợ xấu tự khai của các TCTD; nợ xấu do thanh tra kiểm soát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp; nợ xấu do các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế xác định. Dường như đều theo một quy luật, tại cùng một thời điểm, số liệu của NHNN cao hơn số liệu của TCTD và số liệu của tổ chức quốc tế lại cao hơn số liệu của NHNN. Mức chênh của các số liệu lại rất cao. Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi đối với các TCTD, với cách tự khai nợ xấu thì họ có quyền giấu bớt nợ xấu. Việc xác định nợ xấu của các TCTD hiện nay đã có quy định bài bản theo hướng thông lệ quốc tế bởi các văn bản của NHNN. Tuy vậy, liệu đã đủ chế tài để buộc trách nhiệm pháp lý với TCTD khi họ báo cáo không đúng nợ xấu của mình. Hay là, chỉ để tự giác và trách nhiệm chung chung là chính? Hiện còn không ít TCTD vẫn cố tình giấu nợ xấu. Ngân hàng CP An Bình (ABBank) chỉ là một ví dụ: Theo ABBank, nợ xấu tính đến 31/12/2014 là 2,75%, giảm 2,1% so với 31/12/2013. Để có con số nợ xấu đẹp dưới mức chuẩn 3%, họ chỉ bằng cách tính tăng mẫu số trong phép tính nợ xấu. Nếu không như vậy, thực tế nợ xấu của ABBank vẫn còn nguyên ở mức 4,8%. Rõ ràng, một khi con số nợ xấu của các TCTD chưa được xác định minh bạch thì nợ xấu vẫn là ẩn số cần tìm trước khi tìm cách giảm.

 

Tin tức khác